Liên hệ dulichonline.vn
Tour du lịch nước ngoai: Ms Mai
 0974 744 114 0974 744 114
Tour du lịch trong nước: Ms Ha
 0988 678 064 0988 678 064
Đặt phòng khách sạn: Ms Lam
 0912 677 766 0912 677 766

Các điểm du lịch tại Đà Lạt (phần 3)

Buổi sớm, hồ nước phủ đầy sương trắng và yên tĩnh đến lạ kỳ, chỉ có tiếng chim quyện thành vòng, thành chuỗi để rồi tan xuống mặt hồ phẳng lặng. Buổi trưa bầu trời sáng láng, mặt hồ xanh biếc như biển khơi, lấp lánh ánh thủy tinh.

19. Thác Datanla:
Vị trí: Thác Đatanla nằm khoảng giữa đèo Prenn, cách thành phố Đà Lạt 5km.
Đặc điểm: Thác Đatanla tuy không hùng vĩ, ồn ào như nhiều dòng thác khác của Đà Lạt nhưng lại có một sức cuốn hút đặc biệt đối với những ai thích mạo hiểm phiêu lưu.
Đatanla hay Đatania do các từ K’Ho ghép lại: “Đà - Tàm - N’ha” có nghĩa là “nước dưới lá” - liên hệ đến cuộc chiến tranh Chăm, Lạt, Chil thế kỷ 15 - 17. Từ quốc lộ 20 rẽ xuống dốc khoảng 300m là tới một thung lũng nhỏ, du khách sẽ gặp thác Đatanla với cảnh trí đầy hấp dẫn và đậm nét hoang sơ. Thác đổ xuống từ ghềnh cao 20m, len lỏi qua nhiều tầng nấc trong các khe đá rồi lẫn khuất đâu đó trong rừng sâu tạo thành một dòng suối, lúc ẩn lúc hiện như mời gọi thách thức bước chân khách lãng du. Nơi đây có những tảng đá nhẵn bóng thật đẹp, tương truyền xưa kia các tiên nữ trên thượng giới thường ghé lại nô đùa tắm suối nên khu vực này còn được gọi là Suối Tiên. Đi xa xuống phía dưới, du khách sẽ gặp một hẻm vực sâu hun hút được gọi là vực Tử Thần. Đây là một nơi khá nguy hiểm, rất dễ xảy ra tai nạn nếu không được các đơn vị chuyên nghiệp với những trang thiết bị bảo đảm an toàn tổ chức thám hiểm. Du khách không nên liều lĩnh khám phá những bí ẩn của hẻm vực Tử Thần Đatanla.

20. Đồi Mộng Mơ:
Cách trung tâm thành phố Đà Lạt 4 km, trên đường đi thung lũng Tình Yêu, đồi Mộng Mơ là điểm du lịch vừa khai trương phục vụ du khách nhân dịp Đà Lạt kỷ niệm 110 năm hình thành và phát triển (năm 2003) với tổng vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng. Đến với đồi Mộng Mơ, du khách được thưởng thức vườn hoa cây cảnh, thiên nhiên hữu tình; ngắm nhìn ngôi nhà cổ 300 năm (được di dời nguyên gốc từ Bình Định), một vườn thơ Hàn Mặc Tử lãng mạn, tượng bán thân của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, một Vạn lý Trường Thành thu nhỏ độc đáo dọc sườn đồi, một Mộng Mơ tửu với hầm rượu 20.000 lít...

21. Thung Lũng Vàng:
Cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 15km về hướng Tây Bắc, nằm bên cạnh hồ Đan Kia - suối Vàng, khu du lịch Thung Lũng Vàng là một trong những địa điểm du lịch mới của Đà Lạt, được đưa vào khai thác từ năm 2005. Hoàn thiện dần trong quá trình hoạt động, đến nay, Thung Lũng Vàng thu hút nhiều du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên và những cảnh quan độc đáo được kiến tạo bởi bàn tay con người. Hồ Đan Kia - suối Vàng nằm dưới chân núi LangBiang. Đây là hồ nhân tạo cung cấp nước cho thành phố Đà Lạt. Trong quần thể rừng thông bạt ngàn và mênh mang đồi cỏ có diện tích 170ha, Thung Lũng Vàng là khu du lịch sinh thái được sự ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên. Thông và đồi cỏ làm nền cho hoa, đá, hồ nước, thác và nhiều cảnh quan đẹp. Trên lưng chừng đồi thông, có một dòng suối nhân tạo dài khoảng một cây số, những lớp đá được sắp đặt có chủ ý nhưng cứ như vô tình giống dòng suối tự nhiên. Nước từ suối này đổ xuống và chia thành hai dòng chảy có tên Tĩnh và Động. Loanh quanh qua con đường đất, hai dòng suối nhập lại một rồi đổ về làm quay bánh xe nước. Dòng suối và bánh xe nước này khiến du khách có thể liên tưởng đến hình ảnh guồng nước ở các sông miền Trung hay núi rừng miền Bắc. Xa xa, lại thấp thoáng những chiếc cầu tre lắt lẻo, những ụ rơm, giếng nước, bánh xe gỗ, nhà chòi... gợi nên hình ảnh đồng quê Nam bộ. Chiếm diện tích lớn nhất Thung Lũng Vàng là hoa viên cây cảnh với nhiều giống cây quý được trồng tỉa, chăm sóc rất công phu. Tại đây có thể thấy được thông 5 lá Việt Nam, thông 5 lá Trung Quốc, bạch tùng, thanh tùng, tùng búp, tùng xà ngũ phúc, thông đỏ, vườn hoa đỗ quyên...; một số giống cây từ nước ngoài du nhập vào như voong ke, hồng sa mạc, phong lữ thảo, cây lá phong...

Ngoài ra, không thể thiếu nhiều loại hoa đặc trưng của Đà Lạt như cẩm tú cầu, thạch thảo, mimosa... được trồng theo từng cụm, từng vạt, du khách có thể tha hồ chụp hình. Cuối vườn bonsai có cây bồ đề gần 300 năm tuổi. Cỏ cây chen lá đá chen hoa, những phiến đá đủ hình thù tạo cho vườn hoa vẻ đẹp rất riêng, không tìm thấy ở các khu du lịch khác. Thơ mộng và có vẻ huyền ảo là những khu vui chơi với những cái tên gợi sự khám phá như vườn đá Tứ Linh, có bức tượng lớn mang hình dáng vị thần đang gieo hạt; khu vui chơi Thái cực; Đại viên cảnh; hồ Lưỡng nghi; cùng những viên đá lót lối đi lên đồi được xếp theo hình quẻ “Thiên hỏa đồng nhân” trong Kinh Dịch; mỏ neo khổng lồ... Nơi tận cùng của Thung Lũng Vàng là hồ Đan Kia - suối Vàng. Đứng trên triền dốc nhìn xuống một vùng nước tĩnh lặng, mênh mông bát ngát, hàng thông rũ bóng xuống mặt hồ đẹp như một bức tranh thủy mặc. Bên kia hồ cũng bạt ngàn rừng thông, gợi cảm giác thèm được phiêu lưu. Có thể nằm dài trên đồi cỏ nghe tiếng thông reo, xa xa lẫn trong tiếng nhạc thông vẳng lại tiếng cười nói của từng đoàn khách đang cắm trại. Khí hậu mát mẻ, trong lành tưởng như những bận rộn, lo toan đời thường không tồn tại; chỉ có ta với đất, trời, cỏ cây, hoa lá... Dạo chơi hết khuôn viên Thung Lũng Vàng, có thể thoải mái chụp hình từ vạt cỏ xanh dưới thung lũng, đến đồi hoa, rừng thông... Rồi cứ men theo hoa mà đi cho đến khi thấy thấp thoáng hai trụ cổng bằng đá. Cạnh đó có một phiến đá hình bảo kiếm, khắc dòng chữ kiểu thư pháp “Nẻo về của ý” như một điểm nhấn cho cổng chào khác của Thung Lũng Vàng. Vào mùa hoa đào nở, khách có thể nhìn ngắm những bông hoa anh đào duyên dáng in bóng xuống mặt hồ. Những đóa hoa mãn khai nở thắm một góc trời, vương vãi trên lối đi... Những cây anh đào Nhật Bản làm nên nét đẹp dịu dàng mềm mại cho Thung Lũng Vàng. Ai đó chợt buông câu hát: “Ai lên xứ hoa đào...”, khiến du khách mơ về một lễ hội của loài hoa dễ thương này.

22. Hồ tuyền Lâm:
Vị trí: Hồ Tuyền Lâm nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5km về hướng nam.
Đặc điểm: Hồ Tuyền Lâm rộng hơn 360ha, là địa điểm thích hợp cho các hoạt động thể thao, leo núi, chèo thuyền, câu cá.
Từ một thung lũng hoang vu ở độ cao hơn 1.000m so với mặt biển, hồ Tuyền Lâm đã được cải tạo thành điểm nghỉ mát lý tưởng của vùng cao. Hồ nằm cách Ðà Lạt 5km, gọn gàng giữa rừng thông mênh mông và dòng suối tía huyền thoại. Mùa khô ở vùng này kéo dài 6 tháng, không một hạt mưa, nhưng lòng hồ vẫn đầy ắp nước. Mặt hồ quanh năm xanh biếc, hiếm khi có sóng lớn. Rừng thông ba lá phủ kín những ngọn núi, quả đồi quanh đó, trải ngút ngàn tầm mắt. Tất cả cùng hòa quyện, vẽ nên bức tranh thiên nhiên yên tĩnh, thanh bình và thơ mộng lạ kỳ. Ai đến thăm Ðà Lạt cũng ghé Thiền viện Trúc Lâm để từ trên đỉnh núi Phượng Hoàng phóng tầm mắt về phía đông nam, chiêm ngưỡng thắng cảnh nổi tiếng được tạo bởi bàn tay con người này. Có người dành cả ngày để du ngoạn trên hồ, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ và sự tĩnh lặng quý báu. Trên bờ, khách có thể tìm hiểu những nét văn hóa của các dân tộc thiểu số nam Tây Nguyên với thịt nướng, cơm lam, rượu cần, đốt lửa trại; tham gia lễ hội cồng chiêng; ngắm nhìn những tác phẩm điêu hkhắc gỗ; thư giãn trên những ngôi nhà sàn, nhà dài lộng gió; bắn cung và thám hiểm rừng sâu.
Cùng với trò chơi hóa trang thành các chàng trai, cô gái miền sơn cước, du khách thường rất hứng thú với các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như bóng đá một gôn, bóng chuyền trên cát, nhà dù, câu cá, cưỡi voi, cưỡi ngựa. Hiện có 5 con voi đã thuần dưỡng đang sống tại khu du lịch Tuyền Lâm và khu dã ngoại Ðá Tiên. Nhiều loại thú hoang mất dấu nhiều năm nay đã quay về như khỉ, sư tử mặt đỏ cùng nhiều động vật khác sống thành đàn. Năm 2001, có gần 100 nghìn khách tham gia các tour du lịch trên hồ, khoảng 15% là du khách quốc tế, chủ yếu là khách châu Âu. Họ thường chọn những chương trình thám hiểm rừng sâu để quan sát chim thú và ghi âm những âm thanh của núi rừng. Vào xuân, hồ Tuyền Lâm lấp lánh màu ngọc bích, tô đậm thêm nét thơ mộng, lãng mạn của Ðà Lạt vốn đã xinh tươi. Để tới Hồ Tuyền Lâm, ta theo quốc lộ 20, lên đèo Prenn, qua khỏi thác Ðatanla rẽ về phía trái chừng hơn 1km, băng qua những rừng thông ngút ngàn, du khách sẽ bắt gặp Hồ Tuyền lâm xanh biếc và đầy vẻ quyến rũ. Với diện tích mặt nước khoảng 350ha, hồ Tuyền Lâm được tạo thành bởi dòng suối Tía. Tên hồ không biết có tự bao giờ và do ai đặt, nhưng có lẽ cũng do xuất phát từ khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ ở đây mà tên gọi ấy đã sống mãi. Ðó là nơi gặp gỡ giữa sông, suối và cây rừng.
Năm 1982, để đảm bảo nước tưới cho hàng trăm ha lúa của huyện Ðức Trọng, Nhà nước đã cho xây dựng đập ngăn nước tại đây. Năm năm sau, công trình được hoàn thành và đã dần dần trở nên một điểm tham quan, du lịch không thể thiếu đối với nhiều người. Với mặt nước mênh mông quanh co dưới chân những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp, ở mỗi khúc quanh, non nước trời mây hình như luôn biến đổi. Nơi này là rừng thông non, nơi kia là non cao với lớp lớp ngàn thông thẳng tắp. Tuyền Lâm ! thật đúng là non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình.Vào những ngày đẹp trời, dùng canô hay thuyền buồm du ngoạn trên mặt hồ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt những đồi thông xanh mởn, xen giữa là những cụm rừng già và những sườn đồi thoai thoải, soi bóng xuống mặt hồ. Trước khung cảnh ấy, lòng ta như bâng khuâng, đồng thời lại có cảm giác như vừa trút bỏ được hết những vướng bận của bụi trần để bước chân vào chốn thần tiên. Buổi sớm, hồ nước phủ đầy sương trắng và yên tĩnh đến lạ kỳ, chỉ có tiếng chim quyện thành vòng, thành chuỗi để rồi tan xuống mặt hồ phẳng lặng. Buổi trưa bầu trời sáng láng, mặt hồ xanh biếc như biển khơi, lấp lánh ánh thủy tinh. Ðến chiều thì mềm ra trong ánh sáng mát lạnh và mặt hồ dần dần chuyển sang màu xanh thẫm. Nếu ngồi ở hồ Tuyền Lâm câu cá, làm thơ, hoặc đi dạo với người yêu vào những thời điểm như vậy, mới cảm nhận được hết vẻ kỳ ảo, thơ mộng và huyền diệu của cảnh sơn thủy hữu tình mà tạo hóa đã ban cho đất trời Ðà Lạt.