Liên hệ dulichonline.vn
Tour du lịch nước ngoai: Ms Mai
 0974 744 114 0974 744 114
Tour du lịch trong nước: Ms Ha
 0988 678 064 0988 678 064
Đặt phòng khách sạn: Ms Lam
 0912 677 766 0912 677 766

Thác Bản Giốc - Hồ Ba Bể, Tháng 3 về (Phần 1)

Sau n lần tính lên tính xuống, sau n + 1 lần dự định, cuối cùng thì chúng tôi cũng thực hiện được Cung Đông Bắc ấy. Giang hồ bảo là, đi thác bản giốc nhanh đi, không bọn tàu nó chiếm nốt 1/3 nữa là vừa. Vấn đề nằm ở chỗ tính sao cho khéo, không nghỉ làm được quá nhiều mà phải đi được gần như hết các điểm chính. Vậy là lên cung vào một buổi tối đẹp trời trong tâm trạng vô cùng phấn khích.

Bóng bàn với nhóm cố hữu mãi mà chả ra ngô ra khoai gì. Cô nàng cạ cứng cũng có vẻ hững hờ vì vấn đề “đầu tiên”. Vậy là lên Phuot lập cung, hô hào, kêu gọi. Chốt lại được 10 mạng, Nam có, Bắc Có, Tây Nguyên có. Phút cuối, vài mạng báo không đi được, thông cảm thì có thông cảm, nhưng bực thì cũng có bực. Vì đoàn đi bằng oto chứ không phải xe máy nên việc thêm bớt một người đều ảnh hưởng đến các thành viên trong đoàn. Một ngày dài bận rộn, cuối cùng cũng nhấc mông được khỏi ghế, lao ra cửa, phóng về nhà, sửa soạn ba lô. Lên đường thôi ạ.
22h tối ngày 14/3, đoàn chúng tôi sau khi đã đón đủ người xuất phát từ Ngã Tư Sở. Thời tiết dễ chịu, đoạn đường từ Hà Nội lên Lạng Sơn chạy êm ru. Thỉnh thoảng lái xe dừng lại hít thở không khí trong lành của sương đêm cho quên đi cơn buồn ngủ cố hữu. Chúng tôi phải cắt cử luôn phiên 2 người một thay ca nhau tiếp chuyện với chú lái xe. Trong giấc ngủ chập chờn, thỉnh thoảng vẫn cố căng mắt nhìn xuyên vào bóng đêm. Đoạn đường từ Lạng Sơn lên Cao Bằng cũng không đến nỗi xấu, một vài đoạn đường sóc còn lại đều ok. Khoảng 5h sáng xe chúng tôi đến cửa khách sạn Bằng Giang. Do báo trước, nên khách sạn sắp xếp có phòng trống cho đoàn nhận phòng sớm. Cả bọn vác balo hành lý, mắt nhắm mắt mở lên phòng. Chốt 9h00 tập trung ăn sáng để khởi hành đi Thác Bản Giốc.
Nói thêm về khách sạn Bằng Giang, đây là khách sạn 2 sao nằm ở ngay ngã tư, số 1 Kim Đồng. Khách sạn này nằm song song với con phố nhỏ có chợ họp buổi sáng, nhìn ra sông. Băng qua phía kia đường là Chợ Cao Bằng. Tiện đi lại, phòng ốc tuy có xuống cấp nhưng mức giá cũng có thể chấp nhận được. Giá phòng 4 là 600k/phòng đã bao gồm ăn sáng cho 4 người. Phòng đôi 400k. So với mức giá 350k chưa bao gồm ăn sáng bên Thanh Loan, thì Bằng Giang là lựa chọn hợp lý hơn. Ngoài ra, quanh khu vực này còn có khách sạn Hoa Việt có vẻ mới.

Khách sạn Hoa Việt

Địa chỉ:   SN 14 - tổ 30 - Hợp Giang - Tx.Cao Bằng - Cao Bằng (đối  diện cổng Chợ Xanh)
Liên hệ:   Điện thoại: 026.3828.688   

Khách sạn Bằng Giang (Gần chợ Xanh)
Địa chỉ: 1 Kim Đồng, Tx. Cao Bằng
Điện thoại: (026) 3853431
Fax: (026) 3855984

Khoảng 8h30, cả đội đi kiếm đồ ăn sáng. Một số nhân đã đi dạo loanh quanh và thông báo không có quán ăn sáng nào quanh quẩn đó. Theo chỉ điểm của Chú lái xe, cả đội mò vào Chợ Xanh. Khu chợ ở Cao Bằng khá khang trang và bày bán các mặt hàng đa dạng.

Men theo mấy quán dọc bờ sông, cuối cùng chúng tôi yên vị với món Bún Vịt Cao Bằng giá 20k/bát (Nước dùng vị khá ngon + 5 – 6 miếng Vịt Quay). Qua tìm hiểu trước, tôi được biết đặc sản của Cao Bằng có các món: Vịt quay Cao Bằng (Ướp 7 vị, gần như Vịt quay Bắc Kinh) Hạt dẻ trùng khánh (Sau một chú chủ quán ăn chúng tôi ăn trưa ở thị trấn Nước Hai, Hòa An nói mùa này không có hạt dẻ Trùng Khánh, có chăng là hạt dẻ Trung Quốc. Hạt dẻ Trùng Khánh phải độ tháng 8 – 9 – 10 mới có) Món đậu phụ Cao bằng; Rau Dạ Yến hay còn gọi là Bồ Khai (Món này gần như ngọn su su nhưng nhỏ, giòn và ngọt hơn) trong hầu hết các bữa ăn của đoàn đều có loại rau này, khi thì xào bò, khi thì xào tỏi, khi thì luộc không. Ngoài ra, nhắc đến Cao Bằng còn có Món bánh trứng kiến - “Là loại bánh đặc trưng của dân tộc Tày ở Cao Bằng thường có vào khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm. Đây là thời gian sinh trưởng mạnh của loại kiến đen trong rừng. Trong chuyến đi rừng, người Tày thường tìm loại trứng này về để làm món bánh trứng kiến (tiếng Tày gọi là pẻng rày).

Lấy được loại trứng này cũng là một kỳ công và phải là người có hiểu biết và kinh nghiệm, nếu không sẽ lấy nhầm loại kiến độc gây nguy hiểm khi làm bánh. Mỗi tổ kiến đen chỉ cho chừng 2 đến 3 chén trứng kiến. Vì thế để làm món bánh này, người Tày phải mất cả ngày đi tìm thứ "đặc sản" lạ lùng của núi rừng nơi đây. Trứng kiến đen ở rừng Cao Bằng rất mẩy, béo và có hàm lượng đạm cao.”. Tiện nói đến đặc sản, nhắc luôn đến món Khẩu Sli - món bỏng gạo nếp cầu kỳ - “Thứ bánh này trước kia được người Cao Bằng làm trong dịp lễ, Tết hay nhà có việc trọng đại. Tuy nhiên, ngày nay nó đã phổ biến hơn để phục vụ du khách tới tham quan vùng đất tuyệt đẹp với rất nhiều di tích lịch sử này. Theo tiếng địa phương, bánh khẩu sli có nghĩa là bánh gạo nếp nổ hay bánh bỏng. Nghe tên và nhìn loại bánh này cứ nghĩ nó cũng được làm đơn giản như nhiều loại bánh bỏng trên khắp đất nước. Ấy nhưng nghe người Cao Bằng kể về các công đoạn làm bánh mới thấy sự tỉ mỉ, tinh tế. Đầu tiên là khâu chọn gạo, đó là thứ gạo nếp nương, mẩy đều, 10 hạt đều tăm tắp như nhau. Gạo được mang ngâm qua nước rồi đồ chín tới, sau đó mang dải đều ra nong nia cốt để cho xôi không dính vào nhau mà rời ra từng hạt.” Món này các bạn có thể mua ở Khu du lịch Pắc Pó có bày bán rất nhiều. Mức giá là 20.000 VND/bịch. Để đỡ mất công các bạn phải sợt gúc gồ về các món đặc sản cao bằng, tôi tổng hợp luôn qua quá trình tìm hiểu và trải nghiệm. Món bánh cuốn cao bằng cũng là món các bạn nên thử trong bữa sáng: Đây là thứ bánh rất nổi tiếng ở Cao Bằng bởi cách ăn rất độc đáo. Thường thì ngoài đĩa bánh cuốn nóng hôi hổi là bát nước chấm to, trong đó là vài loại rau thơm. Sang thì có thêm mấy miếng chả thái lát. Khi ăn, thường thực khách đổ cả đĩa bánh cuốn vào và ăn như kiểu ăn phở, ăn bún. Ngoài bánh cuốn tráng chay, bánh cuốn của người Cao Bằng còn hay được tráng chung với trứng ăn béo ngầy ngậy và thơm ngon.
Đến đây, coi như tạm kết thúc phần nói về đặc sản ở Cao Bằng. Đặc sản Bắc Kan - Hồ Ba Bể, tôi sẽ nhắc đến ở phần sau.