Liên hệ dulichonline.vn
Tour du lịch nước ngoai: Ms Mai
 0974 744 114 0974 744 114
Tour du lịch trong nước: Ms Ha
 0988 678 064 0988 678 064
Đặt phòng khách sạn: Ms Lam
 0912 677 766 0912 677 766
Tin tức du lịch

Đền Bạch Mã

Giữa phố Hàng Buồm, tại số nhà 76-78 có một di tích lịch sử quan trọng của Hà Nội, nó gằn liền với câu chuyện dời đô của Lý Thái Tổ, và là một trong “Thăng Long tứ trấn” đó là đền Bạch Mã. Đền Bạch Mã xưa thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức - là cửa sông Tô Lịch thông với sông Hồng - hai dòng sông huyết mạch của Hà Nội cổ.

Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, hay còn gọi là Tô Lịch giang thần, thành hoàng Hà Nội gốc, (Có tài liệu ghi đền Bạch Mã có từ năm 866) , đây cũng là vị thần đã làm thất bại các pháp thuật của viên quan đô hộ thời Bắc thuộc là Cao Biền, và Cao Biền cũng phải phong làm “Đô phủ thành hoàng thần quân”. Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, cũng đã phong thần làm “Quốc đô định bang thành hoàng đại vương”.
 
Nhưng vì sao đền thờ thần Long Đỗ lại được gọi là đền Bạch Mã? Huyền thoại kể rằng khi vua Lý Thái Tổ dời đô đến Đại La đổi tên là kinh đô Thăng Long ngài đã cho xây dựng đô thành, nhưng thành cứ xây lên rồi lại lở. Vua liền sai người tới cầu đảo, chợt thấy ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi quanh một vòng, đi đến chỗ nào thì để lại dấu chân đến đó, rồi trở lại vào trong đền thì biến mất. Vua liền theo dấu chân ngựa mà đắp thành lũy thì không lở nữa, nên thờ làm thành hoàng Thăng Long. Tạ ơn thần linh trợ giúp, vua bèn tôn phong thần Long Đỗ làm “Quốc đô Định bang Thành Hoàng Đại Vương”, và cho gọi tên ngôi đền thờ thần là “Bạch Mã linh từ” (đền thiêng ngựa trắng).
Theo GS. Trần Quốc Vượng thì ngựa trắng là biểu tượng thần thoại của mặt trời. Đền Bạch Mã trấn cửa Đông kinh thành Thăng Long. Ngựa trắng từ đền ra, đi một vòng từ đông sang tây rồi lại quay về đền. Đó là biểu tượng sự vận động biểu kiến của mặt trời, mặt trời mọc đằng đông, lặn ở đằng tây rồi lại quay về đông (trong câu chuyện Cổ Loa, rùa vàng cũng hiện ra ở cửa đông kinh thành). Phía đông là đền Bạch Mã, phía tây là đền Voi Phục, phía Bắc là Đền Trấn Võ, phía nam là đền Cao Sơn. Đó chính là “Thăng Long tứ trấn” trong quan niệm cổ truyền.
 
Đền đã được sửa chữa nhiều lần, cuối thế kỷ XVII được tôn nền cũ và mở rộng. Năm 1781, chúa Trịnh cho dân các giáp Mật Thái, Bắc Thượng, Bắc Hạ thuộc phường Hà Khẩu chung quanh đền Bạch Mã được "tạo lệ" (sắm lễ vật tế, không phải sưu sai, tạp dịch khác). Năm 1829, sửa chữa đền thêm tráng lệ. Năm 1839, dựng văn chỉ ở bên trái đền, dựng Phương đình để làm nơi cúng lễ các tuần tiết.
 
Đền Bạch Mã là ngôi đền lớn, được nhiều triều đại trùng tu tôn tạo, công trình kiến trúc đền Bạch Mã hôm nay là dấu ấn đặc trưng của phong cách kiến trúc thế kỷ XIX thời Nguyễn. Đền được xây theo hình chữ “tam”, bên ngoài là phương đình tám mái, có một tam bảo và có hơn 13 hoành phi, văn bia nói về thần Long Đỗ và Bạch Mã. Cái đặc sắc của công trình kiến trúc này chính là cái “vỏ cua” (mái vòm hình mai con cua) thứ nhất liên kết giữa phương đình và đại bái của ngôi đền. Rồi, nối đại bái với thiêu hương, lại một “vỏ cua” thứ hai nữa. Những chiếc “vỏ cua” này, ngoài hình thù độc đáo, còn có tác dụng khép kín các đơn nguyên kiến trúc, liên kết chúng lại dưới một hình thức đặc biệt che đỡ toàn bộ bên trên, tạo ra sự rộng rãi cho tổng thể kiến trúc, đồng thời khiến cho ngôi đền Bạch Mã trở thành một công trình nghệ thuật kiến trúc hiếm thấy giữa các kiến trúc tín ngưỡng cùng niên đại, trên vùng đồng bằng Bắc Bộ
 
Tượng Bạch Mã trong đền
Trong các ngôi đền ở Hà Nội, đền Bạch Mã hiện còn lưu giữ được nhiều bia, 15 văn bia (nội dung các văn bia đề cập sự tích của đền, thần, nghi lễ cúng thần, các lần trùng tu tôn tạo). Và nhiều hiện vật có giá trị khác như Cỗ Long ngai có hàng chữ ghi tên vị thần được thờ chính, ở đây là “Long Đỗ Thần quân quảng lợi Bạch mã Đại Vương”, bức hoành phi “Đông trấn linh từ”, đồ thờ gồm các vũ khí thời cổ như xích, đao, thương, câu liêm... được sơn son thếp vàng, chạm khắc tinh xảo . Trong đền, cùng với các lư hương đồng, bình đồng, còn có tượng Phật và một đôi hạc, đôi phỗng trong tư thế đứng trang nghiêm.
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bom B52 rải thảm ở miền Bắc, mọi thứ xung quanh đền đều bị tàn phá, riêng ngôi đền vẫn còn đó. Hiện ngôi đền vẫn giữ nguyên kiến trúc nhưng được sắp xếp lại theo cấu trúc Tam nguyên đồng hóa - tức là thêm điện thờ Phật và Mẫu.
Đền Bạch Mã đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa từ năm 1986 được trùng tu tôn tạo nhiều lần khang trang.
Lễ hội đền hàng năm diễn ra vào tháng hai âm lịch ( 13/2 âm lịch) . Trước đây người ta còn tổ chức đánh trâu rước xuân vào đúng hội... Nằm ngay giữa phố Hàng Buồm, giữa những lô xô mái ngói rêu phong phố cổ, đền Bạch Mã trở thành một điểm nhấn bức tranh phố cổ Hà Nội.