Liên hệ dulichonline.vn
Tour du lịch nước ngoai: Ms Mai
 0974 744 114 0974 744 114
Tour du lịch trong nước: Ms Ha
 0988 678 064 0988 678 064
Đặt phòng khách sạn: Ms Lam
 0912 677 766 0912 677 766

Tây Nguyên ký sự - 2012 (Phần 4)

Buôn Ako D’hong nằm khiêm tốn trong một con đường nhỏ của thành phố. Đường xá đã được đầu tư nhiều, những hình ảnh về buôn được các bạn 2 năm trước đi về và chụp lại đã thay đổi nhiều, tối không nhìn thấy dáng dấp của một buôn đặc trưng Tây Nguyên nữa, phần lớn các hộ gia đình đều cất nhà xây bên cạnh nhà dài. Chạy thẳng vào cuối buôn, bạn sẽ bắt gặp khu sinh thái Ako d’hong với những túp lều cách tân xung quanh 1 khu hồ rộng, khuôn mẫu không khác so với những khu du lịch sinh thái câu cá gần Hà Nội. Duy chỉ có những dải hoa vàng vẫn rực rỡ trong mưa là ấn tượng hơn cả.

Rời Ako D’Hong (Buôn Cô Thôn) chúng tôi tới làng café Trung Nguyên, Làng Cà phê Trung Nguyên nằm ở phía Tây Bắc Thành phố Buôn Ma Thuột, tọa lạc tại ngã ba Lý Thái Tổ - Nguyễn Hữu Thọ. Công bằng mà nói, khu này tương đối đẹp, song một ngôi nhà của người dân địa phương đứng chình ình choán 1 phần mặt tiền của khu lối vào. Rủi thay, chiều ngày hôm đó trời mưa to, mấy đứa chúng tôi ướt như chuột gửi xe vào thăm quan. Trời cũng sẩm tới, cả khu lác đác vài nhân viên và những vị khách muộn là chúng tôi. Nghe nói rất nhiều về khâu trình diễn Barista, tôi cũng háo hức chờ đợi, rủi thay ngày hôm đó hoặc là lượng khách ít hoặc là chúng tôi đến muộn nên không có dịp thưởng thức nghệ thuật trình diễn pha chế café.  Làng café Trung Nguyên chia thành 5 khu, khu cổng vào và quầy thông tin, khu thưởng thức bao gồm 3 nhà cổ được xây dựng theo phong cách Huế, phần vì người ướt, phần vì bụng đói nên chúng tôi cũng không ngồi lại để nhâm nhi thứ đồ có sức quyến rũ mê người đó, Khu Bảo tang nằm kế bên khu Barista, phía dưới người ta trưng bày các loại máy xay cà phê qua các thời kì, phía trên trưng bày cồng chiêng Tây Nguyên. Đây cũng là lần thứ 2 chúng tôi bỏ lỡ tiết mục thưởng thức cồng chiêng Tây Nguyên - Một trong những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được Unessco công nhận. Khu thứ 4 và thứ 5 là khu ẩm thực và giới thiệu sản phầm của Trung Nguyên không mấy ấn tượng.
Gặp cô bạn người Buôn Ma Thuột dễ Thương ở ngã ba Lê Duẩn, nạp năng lượng với món bún 15k, chúng tôi kéo nhau đến café Rainy nằm dưới 1 con hẻm nhỏ trên đường Lê Duẩn. Bên ngoài, mưa vẫn rơi xối xả. Rainy là quán café dạng sân vườn khá ấm cúng, bên ngoài nghe nói là có một dòng suối nhỏ chảy qua nhưng thú thực, trời tối om nên tôi cũng không xác định được nó nằm ở vị trí nào. Bên trong quán được trang trí khá đơn giản, những chiếc đèn cách điệu đơn giản tỏa ra thứ ánh sáng ấm áp dịu dàng như những tia nắng cuối chiều của những ngày tháng 9. Yên vị trên nệm êm, anh bạn bắt đầu chém gió trong tiếng châm chọc của 3 nàng nổ không kém, cùng với nụ cười tủm tỉm của một cô gái suốt buổi.  Buổi chém gió cũng kết thúc lúc 22h, tôi gọi thanh toán, 88k cho cả buổi tối vui vẻ (nước cam tươi, Lipton nóng, 3 nâu) đúng là đất café.  Sức lực hoàn toàn trở về sau 1 đêm ngon giấc, sáng sớm hôm sau chúng tôi lên đường đi Buôn Đôn cưỡi voi. Một trong những phần được mong đợi nhất trong chuyến đi. “Chú voi con ở bản Đôn, chưa có ngà nên còn trẻ con…” =)) =))) Cách thành phố BMT chừng 40km, đường đi đến Buôn Đôn khá đẹp và hầu như ít thấy bóng dáng chàng áo vàng nào. Chừng 1 km, đường ngập mìn, hương thơm thì cứ ngạt ngào, 2 bên đường hiện ra 1 buôn làng đúng nghĩa, nhà dài, nhà dài và nhà dài, phía dưới nhà, người ta nuôi lợn, xung quanh vườn người ta thả trâu.

Cổng khu du lịch Buôn Đôn cũng hiện ra trước mắt sau khi chúng tôi phóng xe qua cây cầu bằng gỗ thô sơ. Trong chuyến hành trình, không kịp thời gian nên chúng tôi lựa chọn tới thăm quan khu du lịch thuộc quản lý của Công ty TNHH Du lịch Buôn Đôn. Từ Trung tâm huyện Buôn Đôn đi vào khoảng 15km, rẽ tay trái chừng 500m bạn sẽ gặp trước tiên là Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn, đây là công ty đang khai thác Làng đảo Bản Đôn và thác Bảy Nhánh. Thưởng thức những cảnh đẹp tuyệt vời của Làng Đảo, cũng cầu treo, ngắm thác bảy nhánh, thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng Tây Nguyên trù phú và đặc biệt là được ngắm ngôi nhà dài hàng trăm mét của đồng bào Tây Nguyên.  “Buôn Ðôn là tên gọi theo tiếng Lào, nghĩa là làng Ðảo, vì luôn được lập bên cạnh con sông Sêrêpốk có nhiều đảo nhỏ nổi giữa dòng nước ngày đêm cuồn cuộn chảy. Một bên sông là cuộc sống cộng đồng buôn làng êm ả, một bên là rừng đại ngàn Yok Ðôn đầy bí ẩn, kỳ thú và như còn vang vọng những âm thanh hào hùng của các cuộc săn voi từ xa xưa. Dưới con mắt những nhà chuyên môn, Buôn Ðôn có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác cả hai loại du lịch: du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Nơi đây có Vườn quốc gia Yok Ðôn rộng hơn 100 ngàn ha là bảo tàng phong phú về động thực vật tự nhiên. Đến ĐăkLăk mà chưa đến Buôn Đôn thì coi như chưa lên ĐăkLăk”
Nói về du lịch Buôn Đôn và vụ cưỡi voi: Hiện nay, thương hiệu du lịch Buôn Đôn đang được 3 đơn vị khai thác. Một là khu mà chúng tôi đã tới. 2 Khu còn lại do Công ty du lịch và Ks Biệt Điện quản lý (khu này bị chê tương đối nhiều do cơ sở vật chất xuống cấp và không được chú trọng đầu tư), khu còn lại do Khu Du Lịch Sinh thái Bản Đôn – Dakruco (Khu này tương đối mới và là điểm phổ biến đối với khách du lịch)

+ Khu Công ty du lịch và Ks Biệt Điện quản lý
: Từ Làng đảo Bản Đôn đi thêm chừng 5km nữa là đến Trung tâm Du lịch Buôn Đôn do Công ty Du lịch và Khách sạn Biệt Điện quản lý. Tại đây, du khách được cưỡi voi tham quan cuộc sống buôn làng, nếu ai muốn có “cảm giác mạnh” thì cưỡi voi vượt sông Sêrêpốk để đến với vườn Quốc gia Yok Đôn. Bên cạnh những cảm giác thú vị ngồi lắc lư trên lưng voi còn được thưởng thức một cảm giác mạnh khác là cái lắc lư nghiêng ngã của cầu treo Buôn Đôn, với chiếc cầu treo dài trên 100 mét bắc ngang lưng chừng những rặng si già vượt qua dòng sông dữ đến ốc đảo Ea Nô, với bãi tắm tiên, hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ… . Trên cầu treo, có những “mặt bằng” tươm tất và mát mẽ dành cho du khách nghỉ ngơi và ăn uống ngay trên mặt nước.  Ngoài các dịch vụ trên, bạn còn được tham quan nhà trưng bày các vật dụng sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và các dụng cụ săn bắt voi; được nghe thuyết trình về lịch sử hình thành Buôn Đôn, các phong tục tập quán và nghệ thuật săn bắt và thuần dưỡng voi rừng rất nổi tiếng. Bên cạnh đó, bạn còn được tham quan nhà sàn cổ được xây dựng theo kiến trúc Lào đã tồn tại trên 120 năm qua hiện nay vẫn còn người sinh sống; được tham quan mộ Vua săn voi
“KhunJuNốp”, đi thuyền độc mộc trên hồ Ea Rông, giao lưu văn hóa cồng chiêng với người dân tộc bản địa và thưởng thức các đặc sản ẩm thực Tây Nguyên như rượu cần, cơm lam, gà nướng, canh chua cá sông...
+ Khu Du Lịch Sinh thái Bản Đôn - Dakruco: Khu du lịch sinh thái Bản Đôn-Dakruco nằm cách TP Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk) chưa đầy 50 cây số. Từ trung tâm thành phố, đi theo hướng về Bản Đôn rồi đi tiếp khoảng 8 cây số nữa là đến nơi. Trên đường đi người ta bắt gặp những bản làng của người Ê Đê, M’Nông, Lào... nối tiếp nhau xen lẫn những cánh rừng, đồng cỏ... Con đường trải nhựa phẳng lì suốt tuyến. Khu du lịch sinh thái Bản Đôn-Dakruco nằm giữa những ngọn núi lớn nhỏ bao bọc. Có một cái hồ thiên nhiên khổng lồ rộng khoảng 200ha tên Dak Mil - theo cách gọi của đồng bào Ê Đê (người Kinh đọc trạy thành Đắc Minh).  Dakruco được xây dựng trên diện tích hơn 1.000ha, trong đó hơn 95% diện tích là rừng. Khu du lịch nằm dưới những tán rừng xanh tỏa bóng mát. Khu nhà nghỉ được xây dựng theo kiến trúc nhà dài của người Ê Đê. Có phòng dành cho hai người, có phòng chứa đến 20 người. Mỗi phòng nghỉ là một ngôi nhà nằm gần nhau như một bản làng. Bên trong các nhà được trang bị tiện nghi, phù hợp với nhu cầu của du khách. Muốn tìm cảm giác hoang dã hơn, du khách có thể thuê những căn phòng được cất theo kiểu nhà sàn, vách gỗ, mái lợp lá, nằm xen lẫn trong những cánh rừng dưới chân núi. Gần khu vực nhà hàng-khách sạn là bảy ngôi nhà dài Ê Đê được xây dựng đúng nguyên bản của cư dân bản địa. Không gian ở đây khá rộng, du khách đi chưa bao nhiêu đã thấy mỏi chân. Nếu đến đây bằng ô tô, du khách có thể thuê xe đạp để vòng vèo khám phá hết núi rừng của miền hoang dã này.
Tại Dakruco có hai khu vực trưng bày điêu khắc gỗ. Một điểm được bố trí hai bên đường vào khu vực nhà hàng. Một điểm khác nằm trong khu rừng nằm phía sau các ngôi nhà dài làm phòng nghỉ. Tại khu vực nhà hàng, các tượng gỗ điêu khắc theo nhiều trường phái khác nhau nhưng tựu chung vẫn lấy văn hóa Tây Nguyên làm chủ đạo. Riêng vườn tượng thứ hai thiên về điêu khắc truyền thống của Tây Nguyên. Đó là những tượng người, mô tả đời sống sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc và các tượng thường thấy tại các nhà mồ Tây Nguyên. Hai vườn tượng này là những công trình điêu khắc của các nghệ nhân Việt Nam và quốc tế từ các cuộc thi điêu khắc.
Nằm cách khu vực nhà hàng, khách sạn gần 2 cây số là khu vực đồi tâm linh. Tại đây, có tượng phật Quan Âm cao gần 40 mét. Xung quanh là vườn tượng 18 vị La Hán được chạm khắc trên đá với nhiều tâm trạng khác nhau. Toàn khu vực này được đầu tư tỉ mỉ, tạo thành một không gian tâm linh rộng lớn, chạy dài từ chân đến đỉnh đồi. Chùa ở đây không xây dựng hoành tráng mà chỉ làm bằng mái tranh, cột kèo được sử dụng từ tre và gỗ. Kiến trúc chùa là không gian mở, không có cửa. Du khách không là tín đồ Phật giáo nhưng đến đây cũng thấy lòng lắng lại. Buổi sáng sớm hoặc chiều tối, tiếng chuông chùa ngân nga văng vẳng từ đỉnh đồi làm không gian thêm tĩnh mịch.

Cách săn bắt và thuần dưỡng voi:  “Khi đàn voi nhà áp sát đàn voi rừng,  nhóm thứ nhất có nhiệm vụ tấn công vào các con voi đực trong đàn voi rừng, vì các con voi đực là các con bảo vệ cho bầy đàn voi rừng đó, nên nhóm này là những con voi đực to khỏe. Bấy giờ cuộc đánh nhau thật ác liệt, các Gru, Rmác nằm rạp trên lưng voi nhà và nịch bởi những dây thừng, cùng cầm dao, mác tấn công vào các voi rừng, tiếng tù và cùng tiếng voi rống vang lên cả một góc trời, cho đến khi các con voi đực voi rừng bỏ chạy. Ngay lập tức, Nhóm thứ hai là nhóm Kiềm chế sẽ làm nhiệm vụ tách voi mẹ ra khỏi voi con, tiếp tục nhóm thứ ba rướt theo những con voi con có độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi (cao từ 1.2m đến 1,4m) cho đến khi chúng mệt, chạy chậm lại thì lúc này người thợ chính sẽ dùng cây sào có thòng lọng (làm bằng da trâu) đưa vào chân trái đằng sau con voi, lúc này người thợ phụ sẽ nhảy xuống khỏi lưng voi nhanh chóng cột đầu dây còn lại vào một gốc cây, khi con chạy hết cuộn dây có thòng lọng thì thòng lọng được siết chặt vào chân con voi, và cứ thế nó chạy quanh gốc cây thì sợi dây bị thu ngắn lại và họ sẽ bắt được con voi. (Những người thợ săn sẽ bắt những con voi đúng độ tuổi nếu dưới 2 tuổi thì con voi đang bú mẹ, khi bắt đưa về họ không đủ chất dinh dưỡng cho nó thì nó sẽ chết, còn những con voi trên 4 tuổi thì bản chất hoang dã của nó cao họ sẽ khó thuần dưỡng)
Khi săn bắt được những con voi rừng, những người thợ săn dùng voi nhà hộ tống con voi đó về, nhưng chưa đưa con voi ấy về buôn làng ngay mà họ sẽ đưa chúng về bãi thuần dưỡng. Bãi thuần dưỡng có hồ nước để voi uống, có bãi cỏ để voi ăn, rất rộng rãi và mát mẻ, thường cách buôn làng ít nhất 5km để bảo đảm tính an toàn cho những người dân trong buôn làng. Khi đưa những con voi rừng về họ dùng rất nhiều công cụ dụng cụ để thuần hóa chúng. Trước tiên họ sẽ dùng một chiếc cùm số 8 tra vào hai chân trước hoặc hai chân sau của con voi, chằm hạn chế bước di chuyển của chúng. Sau đó dùng một chiếc cùm chữ V, trong cùm có rất nhiều gai nhọn và có thể mở ra và khép lại, họ tra cùm chữ V vào cổ con voi, rồi cột một sợi dây xuyên qua cùm chữ V cột trên những cành cây, khi con voi quật qua, quật lại thì cùm đó sẽ mở ra và khép lại những gai nhọn sẽ đâm vào cổ con voi, nó bị đau đớn và không dám quật nữa.  Họ sử dụng cây sào có đính một vật nhọn và rất ngắn ở đầu, khi con voi dùng voi quật họ sẽ dùng chiếc gậy này đâm vào vòi con voi do vật nhọn ngắn nên không làm lủng vòi vòi được, con voi sẽ rất đau nên không dám dùng vòi quật người nữa. Những ngày mới đưa voi rừng về họ chưa cho voi ăn uống gì, bỏ đói nó một thời gian, sau đó họ sẽ cho nó ăn những thức ăn ngon như: mía, chuối, măng non, trong lúc cho ăn họ sẽ vỗ về thân thiện với con voi, họ dùng thủ thuật “vừa đánh, vừa thoa”. Suốt thời gian thuần dưỡng voi, nài voi thường xuyên bên cạnh con voi, dạy cho nó quen ngôn ngữ của họ và làm cho voi phải sợ con người (những con voi nào dễ thuần dưỡng thường thì từ 5 đến 6 tháng, con nào khó thì trên 1 năm). Khi con voi mất đi bản chất hoang dã thì họ sẽ dùng chiếc gậy K’reo (gậy điều khiển) tập cho con voi cách đi đứng, rẽ phải, rẽ trái, nằm xuống, và làm những việc thông thường khác. Khi voi được thuần hóa xong, họ đưa con voi về buôn làng, làm lễ nhập buôn cho voi và đặt cho voi một cái tên như con người vậy. Từ đó cuộc sống của con voi họ xem như những người thân trong gia đình họ và thường xuyên cúng sức khỏe cho voi.”

Trở lại với chuyến đi nhà em. Đến nơi, gửi xe máy xong là chúng tôi liều mình băng qua cây cầu treo (Xuống cấp lắm rồi) Bạn nào mà hiếu động chạy nhảy nói dại chứ chả rơi tõm luôn xuống Sông Serepok. Có lẽ vào mùa mưa, nên nước sông chảy xiết và đục ngàu. Tác nghiệp ảnh ọt một hồi, tôi chạy vào mua vé cưỡi voi. Lúc bấy giờ chỉ có 1 bạn Voi duy nhất ở khu. Chúng tôi đành mua vé và ngồi đợi. 50k/người/15 phút, 2 người/voi. Tôi tính 15 phút thì ngồi chưa đủ phê, mua luôn 30 phút. Rồi 4 đồng chí tính gộp trọng lượng hơn hai tạ cùng anh chàng quản tượng chễm trệ trên lương em voi Hơ Tuk. Trời mưa…ôi trời lại mưa, vậy là trong lúc chờ trời hửng, chúng tôi mang đồ ra đánh chén. Chừng hơn 1h chiều thì trời ngớt, leo lên lầu cưỡi voi, bước 1 chân lên lưng nàng…chị bạn kêu ré lên đòi xuống, được sự động viên của ACE nàng ta cũng an tọa trên lưng em voi và không ngừng la hét về sau. =))
Theo lời anh quản tượng Y Xuyên, Cô nàng voi Hơ Tuk trước đây là do cha của anh bắt được trong rừng về nuôi, sau bán lại cho khu du lịch và anh theo làm quản tượng luôn. Sinh năm 84, mới lập gia đình nhưng nhìn dáng dấp, khuôn mặt của anh làm người ta không thể đoán nổi tuổi đời còn trẻ như vậy.
Tới tiết mục mua lông đuôi voi. Thiên hạ vẫn kháo nhau rằng Lông đuôi voi mang lại bình an, may mắn thế nên các em voi, anh voi đều hoặc là còn đuôi trụi lông hoặc là bị cắt phéng đuôi. Anh bạn cùng đoàn dù thật giá vẩn còn nhiều hoài nghi nhưng cũng múc liều 3 chiếc nhẫn bạc lồng lông đuôi voi với giá 150k/chiếc. Ngoài nhẫn bạc người ta còn làm nhẫn vàng, vòng tay, kiềng…Sau này đọc mới biết, lông đuôi voi thật thường dẻo và dai, đốt lên có mùi khét khét thì là hàng thật còn loại sờ vào cứng, giòn:

Cách phân biệt lông đuôi voi thật giả như sau :

Cách 1: Vì lông thật là lông sinh học, thế nên khi ngâm nước lông sẽ nở ra.
Với 1 sợi đơn lẻ thì bạn không nhận thấy rõ đâu. Nhưng với sản phẩm vòng đeo tay, nếu bạn đem ngâm nước, sợi lông nở ra, các bạn không thể nào kéo được các nút thắt. Mình đã thử bằng cách đó với tất cả vòng lông đuôi voi của mình. Lông giả thì không thể nào nở ra được đâu.
Cách 2: Các bạn có thể cắt 1 ít để đốt.
Lông đuôi voi thật sẽ bay mùi khét tóc cháy, còn nếu lông giả sẽ bay mùi nhựa.

Tạm biệt Buôn Đôn, chúng tôi quay lại thành phố, chạy ra bến xe để đón xe đi Lak. Để đi xuống Lak, bạn có thể chọn 3 phương tiện:
-    Xe máy: Phương án này bạn phải quay lại BMT để trả xe, có thể đi về trong ngày
-    Xe khách: Các xe chạy từ BMT đi Đà Lạt đều có đi qua Lak
-    Xe bus: Ra Cây 3, đối diện siêu thị bắt xe bus đi Lak (cẩn thận nhầm với xe đi Krong Kma): Giá vé đến Lak: 15k/người.

Vụ ở Lak, có 3 lựa chọn cơ bản:
-    Nhà nghỉ Lak: Ngay đường chính, đối diện lối vào hồ Lak
-    Lak Resort: Phòng: 380k/phòng/đêm đã bao gồm ăn sáng, ở nhà dài cùng các khách khác: 100k/người đã bao gồm ăn sáng
-    Khách sạn Bảo Đại: Giá khoảng 400 - 450k/p/d đã bao gồm ăn sáng

Thăm quan và chơi bời:
-    Cồng Chiêng: biểu diễn tại nhà dài ở Lak Resort luôn
-    Buôn Jun:
-    Biệt thự Bảo Đại
-    Cưỡi voi lội sông Serepok: Vụ giá cả cũng same như ở Buôn Đôn

Ăn uống:
-    Nhà hàng ở Lak thực đơn nghèo nàn, giá cả bình thường, ăn sáng bánh mỳ or mỳ tôm
-    Các bạn nên ăn thử món Chả Cá thác lác là đặc sản. Số tôi hơi xui nên gọi rồi mà các bạn nhà hàng nói hết mất rồi.

Đến Lak tầm hơn 5h chiều, đi bộ chừng hơn 1,5km để check in ở Lak Resort. 2 đồng chí dồi dào sức khỏe chạy lên Hồ Bơi thư giãn. Tôi thì lăn ra giường sau 1 ngày ăn chơi và di chuyển.

(Phần cuối: Lak Resort - Đà Lạt, những nẻo đường đầy mưa + nắng)